6/1/1946: Bầu cử quốc hội khóa 1

Lần đầu tiên công dân của một nước Việt Nam độc lập được thực hiện quyền bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu, lập nên Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ chức tổng tuyển cử càng sớm càng tốt để bầu ra Quốc hội và Quốc hội sẽ bầu ra Chính phủ. Cuộc bầu cử do công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tiến hành, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống...
Trước bầu cử một ngày, báo Quốc hội - tờ báo ra đời vào kỳ tổng tuyển cử đầu tiên còn ghi rõ những việc cử tri phải làm, như "Đi bỏ phiếu tại trụ sở UBND khu phố mình ở từ 7h sáng đến 4h chiều. Nhớ mang theo Thẻ đi bầu. Đến nơi vào buồng bỏ phiếu. Đưa Thẻ đi bầu cho một nhân viên trong ban phụ trách. Nhân viên ấy cắt lấy một góc thẻ rồi giả lại thẻ cho mình. Phải cẩn thận mỗi người chỉ được một phiếu bầu. Viết tên 6 người mình đã chọn lên phiếu bầu. Nhớ viết cẩn thận, đủ họ, chữ đệm, tên. Viết xong gấp phiếu làm bốn, bỏ vào hòm phiếu".
Với những người không biết chữ (95% dân số thời đó) thì ủy ban bỏ phiếu cử ra tiểu ban 3 người. Cử tri muốn bỏ phiếu cho ai thì nói tên người đó, nhờ một người viết vào phiếu, hai người bên cạnh kiểm tra rồi đọc lên cho cử tri nghe lại lần nữa rồi mới bỏ lá phiếu vào hòm. Khi viết xong, tiểu ban đó phải tuyên thệ trước mặt người đi bầu rằng: viết đúng và giữ bí mật. Những nhà nghiên cứu phương Tây thường chỉ trích cách làm như vậy là không giữ được tính bí mật của lá phiếu, nhưng lại không thể đưa ra biện pháp nào thay thế.
Cuộc bầu cử bị chống đối và phá hoại ở nhiều nơi. Trong ngày tổng tuyển cử, Việt Nam Quốc dân Đảng mang tiểu liên đến Ngũ Xã ngăn không cho đặt hòm phiếu, cấm người dân treo cờ. Người dân Ngũ Xã kéo sang khu phố Nguyễn Thái Học gần đó để bỏ phiếu. Ở Nam và Trung Bộ 42 cán bộ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị chết trong công tác vận động bầu cử, trong đó có cả lãnh đạo khu Sài Gòn-Chợ Lớn Nguyễn Văn Tư. Máy bay Pháp ném bom khu vực bầu cử ở Mỹ Tho, Khánh Hòa khiến 6 người chết và 19 người bị thương.
Trong 333 đại biểu được bầu ra có:
10 đại biểu nữ;
34 đại biểu dân tộc thiểu số;
87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ
43% là người không đảng phái.
36% là thuộc mặt trận Việt Minh
14% là Đảng Dân chủ Việt Nam
7% là Đảng Xã hội Việt Nam

Quốc hội khóa I có nhiệm kỳ 14 năm (1946-1960), là nhiệm kỳ Quốc hội dài nhất đến nay với tổng cộng 12 kỳ họp.

(Ảnh: thẻ cử tri của chủ tịch lâm thời Hồ Chí Minh)

Comments