PHÁP LUÂN CÔNG? TÀ ĐẠO HAY CHÍNH ĐẠO?


Đúng như nhiều người vẫn đồn thổi về Pháp Luân Công? Nghe có vẻ huyền bí, mà cũng đúng là huyền bí thật. Thực tế, có rất nhiều tranh cãi, những bàn luận việc Pháp Luân Công nên coi là tà đạo hay chính đạo? là “tu dưỡng cơ thể và tinh thần” hay là “lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin”? Nên hiểu thế nào cho đúng?

Được biết, Pháp luân công, hay còn gọi là Pháp luân đại pháp do ông Lý Hồng Chí (sinh năm 1952, tại Cát Lâm - Trung Quốc) lập vào năm 1992 tại Trung Quốc, là một tổ chức hoạt động mang màu sắc tôn giáo, nhưng nó không có giáo lý, không có cấu trúc tổ chức, không có nhà cầu nguyện, không có sự thờ cúng. Pháp Luân Công có 5 bài tập khí công nhẹ nhàng: bốn bài động công tư thế đứng và một bài tĩnh công toạ thiền (nếu độc giả nào tò mò thì có thể xem qua các bài học Pháp Luân Công trong quyển sách “Chuyển Pháp Luân” và hướng dẫn thực hành trong cuốn “Đại Viên Mãn Pháp”). Mặc dù được tuyên truyền là ngồi thiền và tập luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công có thể chữa “bách bệnh”, làm cho “linh hồn bất diệt”, “khai công”, “khai ngộ”… nhưng trên thực tế, “Pháp Luân Công” bộc lộ một số quan điểm phản khoa học như: “Nguyên nhân của bệnh tật là do những việc xấu của kiếp trước, nếu tin tưởng vào luyện công, dừng ngay việc uống thuốc, không cần khám chữa trị tự nhiên có người chữa trị cho…”... Vì lẽ đó mà nhiều người cho rằng Pháp luân công thực chất lợi dụng màu sắc tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan, làm hoang mang dư luận, mị dân để lôi kéo những người có trình độ dân trí thấp, người đang bị bệnh nhưng không có điều kiện đi chữa tham gia "Pháp luân công". Một nguồn tin cho hay có nhiều học viên Pháp luân công bị chết hoặc tự sát do quá mê luyện công, bị bệnh nhưng từ chối điều trị, từ chối dùng thuốc, cho rằng luyện công là hết bệnh. 
Nếu phân tích kỹ hơn nữa thì Pháp luân công thực chất là phương pháp tập luyện dưỡng sinh, kết hợp giữa khí công Trung Quốc và vũ đạo Thái Lan. Nội dung thuyết giảng của pháp luân công chủ yếu mượn một số thuật ngữ trong Phật giáo, như: Chú giải “Đức” là vật thể màu trắng, “Nghiệp” là vật thể màu đen, chúng đối lập nhau; “Pháp luân” là bánh xe pháp luân của Phật; “Pháp luân” xoay theo chiều thuận sẽ hấp thụ năng lượng trong vũ trụ, cung cấp cho các bộ phận trong cơ thể người tập gọi là “Độ kỉ”; khi “Pháp luân” xoay ngược chiều sẽ phát ra một năng lượng mà mọi người xung quanh có thể tiếp nhận, đó là “Độ” cho người khác. Người luyện tập Pháp luân công là nâng cao “Đức” và giảm “Nghiệp”, làm cho con người đạt đến “khai công, khai ngộ, công thành viên mãn, linh hồn bất diệt”; ai ngăn cản Pháp luân công là “ma quỷ”; Pháp luân công khuyên con người thực hành tính trung thực, nhân đức và bao dung, tránh chất kích thích, tránh tình dục ngoài giá thú và những điều xấu khác…. Theo một thống kê mà tôi đọc được thì Hệ thống tổ chức của Pháp luân công - Trung Quốc bao gồm:
Trụ sở Tổng hội tại Bắc Kinh, 39 Trung tâm “mẹ” tại 39 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 1.900 Trung tâm “con”, 28.000 địa điểm tập luyện với 10.000 tổ cơ sở trên khắp đất nước Trung Quốc, mỗi tổ có từ 10-12 người, có tổ trưởng và 3-5 tổ nhỏ, có khoảng 70 triệu học viên tham gia luyện tập. Lý Hồng Chí cho lập ra các ban chuyên môn như “Hoằng pháp”, “Hội công”, “Khánh điển”, “Kỷ niệm”… nhằm công khai hóa hoạt động của tổ chức này tại Trung Quốc.
Tại Việt Nam, Pháp luân công xâm nhập trái phép vào khoảng năm 2000-2001 dưới vỏ bọc là một môn luyện công rèn luyện sức khỏe, do một số du học sinh ở Mỹ và số du khách là người Trung Quốc, Đài Loan sang Việt Nam tham quan du lịch truyền vào. Theo tìm hiểu từ nhiều nguồn tin và từ nhiều vụ việc thì số đối tượng cầm đầu Pháp luân công ở Việt Nam thường lợi dụng kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng để tán phát tài liệu cho học sinh, sinh viên, phụ huynh trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, số đối tượng này còn lợi dụng tình hình “Biển Đông” tung tin sai lệch, kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc. 
Bản thân tôi nếu để nói là phải nhìn nhận Pháp luân công thế nào cho đúng thì tôi không đủ tự tin, không đủ vốn kiến thức để đánh giá, ngay cả những người có học hàm giáo sư như GS N.L.Dxxx cũng có những nhìn nhận mà sau đó bị nhiều người cho rằng là lệch lạc về Pháp Luân Công, dẫn đến cổ súy cho tà đạo, dị giáo phát triển ở Việt Nam. Có lẽ vì thế mà chúng ta nên làm thật tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật, nâng cao nhận thức trong hệ thống quản lý nhà nước về tôn giáo, trong đội ngũ chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo và nhân dân hiểu về tính phức tạp liên quan đến đạo lạ này. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền vạch rõ âm mưu, ý đồ xấu và tác hại của các đạo lạ,phát huy mạnh mẽ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để qua đó phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, đấu tranh kiên quyết với các hành vi lợi dụng tôn giáo hoạt động vi phạm pháp luật; công khai hóa hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.../. 
Băng đĩa, sách các bài học pháp luân công

Comments